P. Đào tạo:
P.Công tác SV:
Ban giám hiệu:
Video
Clip
Thống kê truy cập
#Số lượt truy cập: 4858822
#Đang truy cập: 14
NHẬN DIỆN

NHẬN DIỆN "TÍN DỤNG ĐEN" VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA NGĂN CHẶN

Thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi suất cao bất hợp pháp đã và đang trở thành vấn nạn của xã hội, len lỏi từ vùng nông thôn đến thành thị, gây ra nhiều thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp gây mất ANTT trong xã hội...

Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến “tín dụng đen”; Công an các cấp cũng nỗ lực đấu tranh, đẩy lùi. Nhiều tổ chức hoạt động theo kiểu “tín dụng đen” đã bị Công an các địa phương ngăn chặn, xử lý. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân núp bóng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn phải đối mặt với những nguy cơ từ vấn nạn “tín dụng đen”, gây nhiều bất ổn cho gia đình, xã hội... 

Thế nào về tín dụng đen? Trách nhiệm quản  lý Nhà nước đối với tình trạng tín dụng đen hiện nay?

- Điều 4, Luật Công an nhân dân năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an là: Tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm; chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

- Bộ luật Dân sự năm 2015 điều chỉnh các mối quan hệ dân sự của các pháp nhân, cá nhân trong đời sống kinh tế, xã hội. Trong đó, có quy định về việc vay tài sản, lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Đối với hành vi cho vay vượt quá mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 (Điều 201) có quy định cụ thể về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, trong đó có quy định phạt tiền từ 300.000 đồng đến 100.000.000 đồng; đồng thời có thể bị xử tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc bị cấm hành nghề, cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm tùy theo mức độ và tính chất vi phạm.

- Theo quy định tại Khoản 3, Điều 2; Điều 4; Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 6, Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chỉ có chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài; ngoại hối, bao gồm cả công tác cấp phép, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, ngoại hối của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. NHNN không có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra “tín dụng đen”.

Căn cứ các quy định nêu trên thì trách nhiệm quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, phòng chống các loại tội phạm và vi phạm về trật tự, an toàn xã hội nói chung, “tín dụng đen” nói riêng thuộc về cơ quan Công an và chính quyền địa phương. NHNN cũng như các Bộ, ngành khác có liên quan (Bộ Truyền thông, Bộ Tư pháp,…) có trách nhiệm phối hộp với Bộ Công an để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tín dụng đen?

Những năm gần đây, hệ thống tín dụng đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cho vay sản xuất, tiêu dùng với độ phủ rộng, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, vẫn xảy ra hiện tượng người dân tìm đến “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là:

- Các quy định pháp luật hình sự, hành chính và dân sự về xử phạt hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” chưa cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc. Mặt khác, “tín dụng đen” là hoạt động ngầm nên việc quản lý và nắm bắt thông tin gặp rất nhiều khó khăn, nhiều vụ việc chỉ khi đổ bể mới bị phát hiện.

- Đối tượng vay tín dụng đen thường là những người làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, có nhu cầu cấp bách về chi tiêu nhưng  cầu vay vốn chưa hợp lý như: vay không dùng vào mục đích sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng chính đáng, không chứng minh được mục đích sử dụng vốn hợp pháp,… hoặc do sống ở nông thôn, ít giao tiếp nên ngại tiếp xúc với nhân viên ngân hàng. Đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết về pháp luật nên bị các đối tượng cho vay nặng lãi lợi dụng để cho vay với lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản.

- Đối tượng cho vay tín dụng đen hầu hết là các cá nhân, doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng, có hoạt động cho vay trái phép đối với người dân vay tiền, với lãi suất cao. Thủ đoạn cho vay tinh vi, thông qua hình thức từ phát tờ rơi, treo áp phích nơi công cộng (trên cây, bờ tường, cột điện, tủ điện,… dọc theo các tuyến đường, ngõ hẻm) đến sử dụng mạng xã hội hoặc núp bóng dưới hình thức cửa hàng cầm đồ, công ty tư vấn đầu tư, dịch vụ tài chính … với những quảng cáo “kết nối khách hàng - ngân hàng”, hỗ trợ vay vốn, cho vay tiêu dùng, hình thức cho vay không cần thế chấp hoặc chỉ cần cầm giấy tờ xe máy, bằng lái xe, thẻ sinh viên, ..., thời gian cho vay nhanh, thủ tục vay đơn giản; thường không quy định lãi suất mà tính số tiền lãi phải trả hằng ngày (ví dụ: 1-2 nghìn đ/1 triệu đồng/1 ngày).

Tín dụng đen có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống kinh tế xã hội nói chung và hoạt động của hệ thống ngân hàng ?

- Tình trạng “tín dụng đen” khi bị đổ vỡ gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội, gây mất an toàn trật tự xã hội: làm nảy sinh một lực lượng đòi nợ thuê bất hợp pháp, hành vi đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và tính mạng của người đi vay. Nhiều trường hợp vay tín dụng đen dẫn đến vỡ nợ phải mất nhà, mất tài sản, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt, cơ hội làm ăn của nhiều người dân.

- Hiện nay, mặc dù “tín dụng đen” chưa gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động ngân hàng nhưng nếu các tổ chức tín dụng không kiểm soát chặt chẽ việc giám sát khách hàng trong việc sử dụng vốn vay sẽ có nguy cơ sử dụng vốn vay không đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng xấu đến hệ thống ngân hàng.

Các thủ đoạn mà đối tượng cho vay lôi kéo người dân rơi vào “bẫy tín dụng đen” hiện nay?

Đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sử dụng các hình thức quảng cáo trái phép như quét sơn tại các khu vực công cộng; dán, phát tờ rơi; quảng cáo trên mạng xã hội… với nội dụng như “Cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày”, “Alo là có tiền”… kèm theo số điện thoại liên lạc với thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp tài sản, chỉ cần bản photo một số giấy tờ tùy thân như CMND, hộ khẩu, giấy phép lái xe, đăng ký xe máy… là nhận tiền ngay. Nhưng thực chất đó là cái “bẫy” vay tiền với lãi suất rất cao. Đối tượng vay thường là những người có kinh tế khó khăn, trình độ thấp, thiếu hiểu biết hoặc là những con bạc, đôi khi là những người có khó khăn đột xuất... Việc không hiểu về cách tính lãi suất lập lờ khiến cho con nợ rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi thậm chí gấp hàng trăm lần tiền vay gốc.

Thậm chí, tinh vi hơn, một số đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để cho vay nặng lãi thông qua hợp đồng giả cách mua bán tài sản, cho thuê tài sản nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu người đi vay không trả được nợ có thể dùng hợp đồng giả cách đó để tố cáo ngược tại cơ quan Công an.

Khi người vay tiền không có khả năng trả nợ, hoặc trả nợ không đúng hạn do phải chịu lãi suất “cắt cổ”, xuất hiện tình trạng các đối tượng “đầu gấu, xăm trổ” thường xuyên xuất hiện tại địa bàn khu dân cư, đổ chất bẩn, chất thải vào nhà dân, gia đình của “con nợ” để đe dọa, đòi thanh toán tiền lãi và nợ gốc. Có trường hợp đối tượng mang quan tài, vòng hoa, dán cáo phó… để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay nợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, tạo tâm lý hoang mang, lo ngại trong quần chúng nhân dân.

Thực tiễn rất khó xử lý hành vi cho vay lãi nặng theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành!

Trong thực tiễn hiện nay, lực lượng Công an gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý hành vi cho vay lãi nặng theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Bởi, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 về về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” (Khoản 1, Điều 201): “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”

Đối với quy định “gấp 05 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự” thì hiện nay có nhiều vướng mắc, bất cập nhưng lại chưa có văn bản thống nhất, chưa thống nhất về cách xác định số tiền “thu lợi bất chính”. Dẫn đến tại một số nơi xử lý vụ án rất khó, nếu liên ngành tư pháp: Cơ quan điều tra – Viện kiểm sát  - Tòa án không thống nhất về cách tính lãi suất, cách xác định số tiền “thu lợi bất chính”, số quy trình điều tra vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn, để có kết luận về mức lãi suất thì Cơ quan điều tra phải trưng cầu Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất để đảm bảo tính khách quan, song thời gian trả lời của Ngân hàng Nhà nước thường rất lâu (pháp luật chưa có quy định thời hạn trả lời giám định) dẫn đến thời gian giải quyết vụ án kéo dài trong khi tội phạm cho vay lãi nặng thuộc tội ít nghiêm trọng nên thời hạn điều tra ngắn, khó áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam để điều tra mở rộng hành vi phạm tội. Hơn nữa việc chứng minh việc dùng các thủ đoạn trái pháp luật để đòi nợ dẫn đến các hành vi cưỡng đoạt, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản... nhiều khi gặp rất nhiều khó khăn.

Thủ đoạn khủng bố tinh thần của các đối tượng đòi nợ thuê liên quan đến “tín dụng đen” xử lý thế nào?

Các đối tượng khi đi đòi nợ, xiết nợ dùng thủ đoạn khủng bố tinh thần con nợ và gia đình, thân nhân của họ bằng các hành vi như nhắn tin đe dọa, đổ chất bẩn, chất thải (mắm tôm, nước sơn...), điều này gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT trong khu vực. Sau khi thực hiện hành vi, các đối tượng đều nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường, gây khó khăn cho công tác xác minh, xác định đối tượng để xử lý.

Đối với những trường hợp như trên, gia đình người đi vay, những người biết sự việc có thể gọi điện ngay tới số điện thoại khẩn cấp của cơ quan Công an là 113 (số đường dây nóng trực 24/24, tiếp nhận yêu cầu giúp đỡ những vụ việc mang tính khẩn cấp đến tình hình ANTT và hoàn toàn miễn phí cước), hoặc số điện thoại của trực ban Công an xã, phường, thị trấn tại địa bàn cư trú.

Hoạt động “tín dụng đen” thường là các đối tượng có tiền án, tiền sự ở phía Bắc vào các tỉnh phía Nam và miền Tây Nam bộ...

Sau khi bị cơ quan Công an tập trung trấn áp mạnh mẽ, các đối tượng hình sự cộm cán, có tiền án tiền sự chuyển địa bàn từ phía Bắc vào các tỉnh, thành phía Nam, các tỉnh Tây Nguyên để hoạt động. Lực lượng Công an đã chủ động tăng cường công tác trao đổi thông tin giữa địa phương đến - địa phương đi của đối tượng lưu động, nhằm chủ động nắm tình hình, di biến động và biểu hiện hoạt động của đối tượng để có biện pháp phòng ngừa, quản lý, đấu tranh hiệu quả.

Những kẻ cho vay, người đòi nợ thuê là những đối tượng "nổi tiếng cả một vùng", người dân ai cũng biết nhưng chúng có quan hệ rộng nên sợ trả thù nên không dám tố cáo

Những đối tượng hoạt động cho vay, đòi nợ thuê đều được cơ quan Công an rà soát, lập hồ sơ nghiệp vụ quản lý theo dõi. Tuy nhiên, việc phát hiện hành vi vi phạm cụ thể của các đối tượng này cũng rất khó khăn khi bản thân người bị hại và người vay tiền thường thiếu hiểu biết, sơ hở khi ký hợp đồng vay tiền, khi rơi vào “bẫy” của các đối tượng cho vay nặng lãi; khi bị đe dọa đòi nợ, thậm chí bị xâm phạm đến sức khỏe, tài sản vì quá sợ hãi cũng không trình báo cho cơ quan Công an, gây rất nhiều khó khăn cho công tác thu thập, củng cố tài liệu để xử lý đối tượng.

Trong khi đó, các chế tài xử lý đối với những đối tượng này chưa nghiêm, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm. Việc phát hiện, xử lý những đối tượng, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê hiện nay chủ yếu chỉ do lực lượng Công an. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng khác có liên quan trong việc cấp phép, kiểm tra, tuyên truyền... khá mờ nhạt.

Đối tượng cho vay lãi nặng thường núp bóng các tiệm cầm đồ, các công ty cho vay tài chính

Sau các đợt cao điểm, tấn công trấn áp tội phạm của lực lượng Công an, các băng nhóm, đối tượng hình sự hiện nay không còn hoạt động công khai, mà chuyển sang hoạt động kín đáo, thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội tinh vi hơn. Các đối tượng cho vay lãi nặng thành lập các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ (tiệm cầm đồ), các công ty cho vay tài chính. Khi bị Công an các địa phương tập trung tấn công, trấn áp (nhất là tại các địa bàn phía Nam, Tây Nguyên, các địa bàn giáp ranh phức tạp, có nhiều khu công nghiệp…), các băng nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê dạt ra các vùng ven, chuyển sang hoạt động không có cơ sở, địa điểm cụ thể mà biến tướng theo dạng câu kết với nhau hoạt động lưu động ở nhiều địa bàn, tỉnh thành khác nhau gây khó khăn cho cơ quan Công an trong việc điều tra, xác minh và xử lý.

Bộ Công an hiện đang triển khai kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, trong đó tập trung tổng rà soát các tiệm cầm đồ, công ty cho vay tài chính (có phép và không phép) để từ đó phân công, phân cấp quản lý, đấu tranh, phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương, các sở, ngành có liên quan để tiến hành kiểm tra, xử lý, thu hồi giấy phép hoạt động các cơ sở vi phạm.

Vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc đẩy lùi "tín dụng đen"

Để phối hợp cùng với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen, thời gian qua, NHNN đã chủ động và đang quyết liệt tổ chức triển khai các giải pháp về tín dụng ngân hàng, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt nâng cao tiếp cận vốn tiêu dùng của người nghèo,người thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, cụ thể như sau: 

- Đổi mới cơ chế, chính sách cho vay phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo với quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần giảm nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.

- Khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ngân hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, cụ thể:

+ Xây dựng thí điểm và phát triển hệ thống ngân hàng lưu động của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam;

+ Phát triển hệ thống tài chính vi mô, các công ty tài chính tiêu dùng, …; Hoàn thiện chính sách, cơ chế để tăng cường tín dụng tiêu dùng phục vụ các đối tượng thu nhập thấp, vay vốn món nhỏ, thời gian ngắn. Hệ thống 1.183 QTDND được thành lập ở hầu hết các xã trong phạm vi toàn quốc để đáp ứng nhu cầu vay vốn của xã viên, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn;

- Tăng cường sản phẩm, dịch vụ, mạng lưới của Ngân hàng Chính sách xã hội tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có các điểm giao dịch tại hầu hết các xã để hỗ trợ tài chính cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách;…

- Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên của ngành ngân hàng; quan tâm, nắm bắt diễn biến tư tưởng cán bộ, đánh giá đúng năng lực, trình độ và đạo đức để bố trí đúng người, đúng việc; phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ ngân hàng có liên quan đến tín dụng đen.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đó có quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng ngân hàng; NHNN tăng cường chương trình giáo dục tài chính thông qua các phương tiện truyền thông có khả năng quảng bá rộng rãi như chương trình “Tiền khéo, tiền khôn” …

- Đã tham gia, phối hợp với cơ quan công an, các sở, ban. Ngành, chính quyền địa phương xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố, với tổng số tiền là khoảng 117 tỷ đồng. Trong đó, đã xử lý 72 vụ việc, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục và tăng cường sự phối hợp với Bộ Công an, các sở ban, ngành, chính quyền địa phương trong việc  tuyên truyền chính sách, pháp luật về hoạt động ngân hàng, các quy định pháp luật về phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng đen,… sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân trong xã hội; tham gia đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tín dụng đen...

Về giải pháp trong việc cung cấp nguồn vốn chính thức cho khu vực nông thôn, vừng sâu, vùng xa, trong thời gian qua, NHNN đã đổi mới, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, trong đó:

- NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, trong đó nâng mức cho vay tối đa không tài sản bảo đảm từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, và tăng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn nông thôn, nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận vốn tín dụng không phải thế chấp tài sản và có đủ vốn để sản xuất, kinh doanh, hạn chế việc người dân tiếp cận nguồn vốn khác, trong đó có tín dụng đen.

Đến nay, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (bao gồm cả Ngân hàng Chính sách xã hội) đạt 1,66 triệu tỷ, tăng 13,2% so với cuối năm 2017 và chiếm 23,8% dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó cho vay kinh tế hộ đạt 1,14 tỷ đồng, chiếm 69% dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), dư nợ cho vay kinh tế hộ đạt 579.000 tỷ đồng với 3,7 triệu hộ dân, chiếm 80% tổng dư nợ cho vay NNNT của Agribank và chiếm 50% dư nợ cho vay kinh tế hộ toàn quốc. Trong đó việc cho vay thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị xã hội khác đạt 130.000 tỷ đồng với 1,2 triệu khách hàng (bình quân mỗi khách hàng được vay 75 triệu đồng).

- Đã ban hành quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (Thông tư 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN), nhằm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen (cho vay nặng lãi) ở các địa bàn này. Đến nay, toàn hệ thống TCTD có 27 tổ chức tín dụng phi ngân hàng (công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính) với dư nợ đạt trên 131 nghìn tỷ đồng, trong đó cho vay phục vụ đời sống (tiêu dùng) đạt trên 90 nghìn tỷ đồng;

- Tiếp tục mở rộng mạng lưới của các TCTD, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn và các địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế để mở rộng khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ ngân hàng. Hiện nay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) có 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc, ngoài ra Agribank còn triển khai chương trình cho vay lưu động đến các vùng sâu, vùng xa tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc với 68 chi nhánh lưu động, mỗi chi nhánh có 1 đến 2 điểm giao dịch tại các Huyện.

- Chỉ đạo các TCTD tiếp tục nghiên cứu cải cách, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phù hợp từng đối tượng khách hàng; công khai, minh bạch các mức lãi suất, phí cho vay, đồng thời tăng cường công tác truyền thôn và chủ động tiếp cận, hướng dẫn người dân về thủ tục vay vốn.

- Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tài chính vi mô… đẩy mạnh cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đến nay, dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt gần 183 nghìn tỷ đồng với gần 6,7 triệu hộ còn dư nợ; trong đó dư nợ cho hộ nghèo đạt trên 38 nghìn tỷ đồng với 1,3 triệu khách hàng còn dư nợ.

- NHNN đã chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, tránh bị thiệt hại trước thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng hoạt động tín dụng đen;  chỉ đạo cơ quan Công an trên địa bàn nắm bắt kịp thời tình hình cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định; phối hợp với chính quyền các cấp triển khai chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn và tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân.

Người dân muốn tố cáo “tín dụng đen” thì phải như thế nào?

Việc tố cáo tín dụng đen cũng giống như tố giác những tội phạm khác. Cơ quan công an luôn sẵn sàng khi được yêu cầu giữ bí mật thân phận và có biện pháp bảo vệ khỏi bị trả thù. Không chỉ tín dụng đen mà nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác cơ quan công an khuyên người dân nên hợp tác và trình báo đến cơ quan công an để được hướng dẫn và đảm bảo an toàn. Về các giải pháp đảm bảo an toàn, tùy từng trường hợp cụ thể, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an sẽ có phương án để đảm bảo sự an toàn cho người tố cáo. Bên cạnh đó, cũng không ít trường hợp người đi vay là người có lỗi hoặc sử dụng tiền vay vốn vào mục đích bất chính, vi phạm pháp luật nên họ không muốn tố cáo các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” với cơ quan công an. Chính vì điều này mà các đối tượng tín dụng đen có thủ đoạn khống chế, đe dọa chính bị hại để họ không cộng tác, từ chối khai báo, không tố giác tội phạm, gây khó khăn cho cơ quan công an trong việc điều tra, làm rõ và có căn cứ để xử lý các đối tượng. Do vậy, để đảm bảo lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình, người dân hãy đến trình báo cơ quan công an để được giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật về tín dụng đen thông qua các hình thức gọi điện tới đường dây nóng 113, gửi đơn tố cáo, trình báo trực tiếp đến công an sở tại để được đảm bảo an toàn và giải quyết theo pháp luật.

Việc xử lý các đối tượng hành nghề cho vay nặng lãi,  tín dụng đen đang gặp rất nhiều khó khăn !

Hiện nay việc xử lý tín dụng đen gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng pháp luật xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến những vướng mắc về mặt pháp luật. Đầu tiên là việc xử lý các đối tượng về hành vi Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự còn nhiều quan điểm chưa thống nhất về cách xác định lãi suất cho vay và số tiền thu lợi bất chính, việc trưng cầu giám định tài chính còn hạn chế. Nhiều văn bản pháp luật về xử phạt các hành vi cho vay lãi nặng chưa đầy đủ, nhất là cho vay tín chấp, vay ngang hàng, vay trực tuyến. Công tác quản lý và xử lý các đối tượng hành nghề cho vay lãi nặng có vi phạm còn hạn chế do một số văn bản pháp luật không quy định thẩm quyền của lực lượng công an đối với việc cấp phép hoạt động, quản lý và xử phạt hành chính. Một số bị hại trong quá trình vay mượn để các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết đưa vào bẫy làm hợp đồng bán các tài sản có giá trị để làm điều kiện vay vốn, khi bị các đối tượng đe dọa thì không dám tố giác, trình báo với cơ quan công an do sợ bị trả thù, sợ bị làm rõ việc vay tiền dùng vào một số việc bất chính hoặc do sự việc xảy ra quá lâu, kéo dài nên chứng cứ thu thập được bị hạn chế, khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Các đối tượng lợi dụng những lỗ hổng trên để sử dụng những thủ đoạn tinh vi để hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài sản và lách luật, tránh sự xử lý của cơ quan công an. Trong khi đó, việc áp dụng một số biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ hiện nay bị hạn chế do những quy định sửa đổi của pháp luật, việc xử lý các vấn đề trên cũng theo hướng dân sự hóa. Việc các đối tượng dùng các hình thức đòi nợ phi đạo đức như thời gian qua thì chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.

Theo quy định của Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự thì quy định lãi suất theo thỏa thuận không được quá 20%/năm trừ trường hợp pháp luật quy định khác (các trường hợp cho vay của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính… quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành). Như vậy, trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định, nếu lãi suất cho vay vượt quá 5 lần lãi suất theo quy định tại Bộ luật dân sự thì sẽ bị xử lý hình sự, tức là cho vay quá 100% (trừ các trường hợp pháp luật quy định khác). Về vấn đề lãi suất theo Bộ luật dân sự cũng đã quy định: Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Các quy định về chế tài xử lý hành vi cho vay lãi nặng và các hành vi khác liên quan đến tín dụng đen như đòi nợ thuê, ném chất bẩn, chất thải, chử bới, bôi nhọ uy tín, danh dự… hiện nay còn nhẹ, khó xử lý triệt để và không tạo sự răn đe với các đối tượng. Bộ Công an đã tổng hợp những bất cập, khó khăn vướng mắc trong vấn đề xử lý tín dụng đen báo cáo Chính phủ, thủ tướng Chính phủ để đề xuất những giải pháp khắc phục, đặc biệt là những vấn đề nằm ngoài phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành công an.

Thời gian gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, nhiều địa phương đã triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm núp bóng dưới các công ty, doanh nghiệp để hoạt dộng cho vay lãi nặng. Lãnh đạo Bộ cũng đã chỉ đạo Công an toàn quốc mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm, xử lý các đối tượng hoạt động tín dụng đen. Bộ Công an cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương báo cáo tình hình tính dụng đen tại địa phương, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp để xử lý.

Tổng kết

Hiện nay số lượng các TCTD và mạng lưới đã phủ khắp đất nước, vì vậy khi có nhu cầu vốn để sản xuất – kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng thì người dân đến các TCTD để vay vốn thông qua kênh chính thức.

Khi một tổ chức, cá nhân mời chào vay vốn với những điều kiện thủ tục hết sức đơn giản thì người dân cần cảnh giác và xem xét theo các bước sau:

- Xem xét tư cách pháp lý của tổ chức, cá nhân mời chào cho vay thông qua việc kiểm tra giấy phép kinh doanh hoặc đăng ký kinh doanh, mã số thuế, địa chỉ…

- Trong hợp  đồng tín dụng có các nội dung đầy đủ, rõ ràng theo quy định của pháp luật hay không, đặc biệt việc quy định lãi suất vay và trả nợ vay cần phải xem xét kỹ.

Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân hoạt động bất hợp pháp, không rõ ràng thì kiên quyết từ chối vay.​

Về phía người dân, tôi cho rằng người dân cần tự mình nâng cao hiểu biết về pháp luật, cần cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn của tín dụng đen để tránh rơi vào tình trạng này. 

Các cơ quan chức năng cũng cần giúp người dân nâng cao nhận thức bằng các buổi tọa đàm, tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tín dụng đen để người dân được rõ. 

Ngoài ra, để giảm thiểu vấn nạn tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước đang có những cải cách về cho vay để người dân có thể tiếp cận được với các hình thức vay tiền chính thống một cách dễ dàng hơn./.

NHT-Trích lược buổi giao lưu trực tuyến cùng chủ đề (Nguồn Báo Công an nhân dân)

 

 

 

 

 

 

Ý kiến đóng góp